Trong hai ngày 25, 26/5, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT chủ trì tổ chức hội nghị tập huấn kinh nghiệm quốc tế về triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và dịch vụ tin cậy.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe những chuyên gia hàng đầu về chữ ký số đến từ Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á - APKIC, Cơ quan An ninh Internet Hàn Quốc - KISA chia sẻ về các vấn đề pháp lý, hệ thống pháp luật về chữ ký số tại một số nước, những bài học thực tiễn trong triển khai chữ ký số và dịch vụ tin cậy trên thế giới…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một không gian sống mới là không gian số. Mỗi người sẽ có một phiên bản số của chính mình trên mạng.
Bởi vậy, mọi hoạt động của chúng ta trong môi trường thực đều có thể được mô phỏng một cách chính xác trên môi trường số. Lời nói, chữ viết trên môi trường số thành thông điệp dữ liệu, văn bản giấy trên môi trường số thành văn bản điện tử; căn cước công dân của một người trên môi trường số trở thành danh tính điện tử; siêu thị, chợ trên môi trường số trở thành các sàn thương mại điện tử; chữ ký tay trên môi trường số trở thành chữ ký số.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, vấn đề tồn tại hiện nay là niềm tin. Bài toán niềm tin nếu không được giải quyết thì sẽ không thể thúc đẩy được sự chuyển đổi từ môi trường thực lên không gian số. Do không gặp mặt nhau trực tiếp, việc lừa đảo trở nên dễ dàng hơn, phổ biến hơn. Chính vì vậy, cần có các dịch vụ số giúp đảm bảo an toàn, tin cậy cho các bên giam gia giao dịch. Ở Việt Nam trước đây có dịch vụ chứng thực chữ ký số và sắp tới sau khi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được ban hành, sẽ có thêm một nhóm dịch vụ mới gọi là dịch vụ tin cậy.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng chỉ rõ, chuyển đổi số của Việt Nam xác định là toàn dân, toàn diện và không để ai bị bỏ lại phía sau. Vì thế, mỗi người dân sẽ cần trở thành một công dân số. Một công dân số sẽ cần có 8 yếu tố đặc trưng, trong đó yếu tố đặc trưng quan trọng nhất là mỗi người dân có một chữ ký số.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ít nhất 10 triệu chữ ký số cá nhân. Nhận định đây là một mục tiêu vô cùng thách thức, Thứ trưởng chia sẻ: “Do vậy, chúng tôi rất cần kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai thành công chữ ký số cá nhân như Hàn Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là các hội, hiệp hội quốc tế lớn về chữ ký số như Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á để đồng hành cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm”.
Đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị tập huấn kinh nghiệm quốc tế về triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và dịch vụ tin cậy không chỉ nhằm chia sẻ các bài học thực tiễn. Quan trọng hơn là qua hội nghị, chúng ta kết nối với nhau, kết nối cộng đồng chữ ký số công cộng Việt Nam với các chuyên gia hàng đầu của quốc tế trong lĩnh vực này để mở ra các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Chữ ký số cần được cải tiến để thuận tiện hơn cho người dùng
Trong tham luận tại hội nghị, Tổng thư ký APKIC Vijayakumar Manjunatha cho biết hạ tầng khóa công khai – PKI đang có nhu cầu rất lớn. Chứng thư số sử dụng PKI công cộng đã tăng gấp nhiều lần do các quy định bắt buộc và các sáng kiến không cần giấy tờ đến từ một số quốc gia, khu vực.
Vị Tổng thư ký APKIC cũng điểm ra thực tiễn triển khai nền tảng PKI ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Ấn Độ, HongKong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Song trong chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện, ông Vijayakumar Manjunatha lưu ý 3 nơi nổi bật trong ứng dụng chữ ký số mà Việt Nam có thể tham khảo là Ấn Độ, các quốc gia châu Âu và Hàn Quốc. Trong đó, Ấn Độ là nước đã phổ biến chữ ký số vào các lĩnh vực hoạt động hàng ngày như Chính phủ điện tử, ngân hàng, tài chính… Quốc gia này đã có tới hơn 400 triệu người dùng chữ ký điện tử, trong đó đa phần là chữ ký điện tử trực tuyến.
Các nước châu Âu có kinh nghiệm trong việc phát triển các tiêu chuẩn để đảm bảo sự tin tưởng giữa các bên trong giao dịch. Còn Hàn Quốc đã sử dụng PKI như là một phương thức chủ yếu để số hóa, dù đã có nhiều phương thức mới khác.
“Một việc quan trọng là cần làm sao để chữ ký số thân thiện hơn với người dùng, phổ biến các dịch vụ sử dụng chữ ký số tới người dân. Ngoài ra, chúng ta cũng cần ứng dụng eID - hệ thống định danh quốc gia để người dân có thể thuận tiện đăng ký, sử dụng các dịch vụ dùng chữ ký số”, ông Vijayakumar Manjunatha khuyến nghị.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm, Tổng thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử cho rằng, từ kinh nghiệm chia sẻ của chuyên gia quốc tế, chúng tôi nhận thấy để đẩy mạnh phổ cập chữ ký số cho người dân, có 3 vấn đề cần được tập trung giải quyết là hành lang pháp lý, mở rộng các ứng dụng sử dụng chữ ký số; và áp dụng cách thức triển khai thuận tiện hơn như ứng dụng eKYC cấp chữ ký số, lưu trữ hồ sơ điện tử thay vì sử dụng hồ sơ giấy.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số của FPT nhận xét, qua bài trình bày của các diễn giả quốc tế, chúng ta có thể đúc rút được nhiều kinh nghiệm về phát triển nền tảng khóa công khai PKI ở Việt Nam, đặc biệt là việc cần thiết ứng dụng chữ ký số cho các lĩnh vực ngân hàng tài chính, bảo hiểm.
“Từ kinh nghiệm triển khai ở Ấn Độ, có thể thấy việc thúc đẩy phát triển chữ ký số từ xa của Việt Nam đang đi đúng hướng. Năm 2015, Ấn Độ giới thiệu công nghệ ký điện tử ngắn hạn,nhờ đó đến nay trong khi chữ ký điện tử dài hạn chỉ 10 triệu, có tới 400 triệu chữ ký điện tử ngắn hạn. Ở Việt Nam, nhu cầu ký số ngắn hạn rất lớn. Chúng tôi cho rằng mô hình ký số từ xa, ngắn hạn sẽ tạo bước đột phá trong chuyển đổi số”, ông Lê Việt Cường chia sẻ.